Trong dự thảo Nghị quyết về các giải pháp để tháo gỡ, thúc đẩy phát triển lành mạnh và bền vững cho thị trường bất động sản, chủ trương chủ đầu tư xây nhà ở xã hội sẽ được dùng khối đế để kinh doanh đã được nêu ra. Đây là một trong số các ưu đãi lớn dành cho chủ đầu tư.
Định hướng giải pháp tháo gỡ các vướng mắc lớn trong thời gian qua
Ngày 17.02 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc để nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Định hướng lấy tiêu chí an toàn, lành mạnh và bền vững làm kim chỉ nam để các nhà đầu tư cùng hướng đến.
Điểm đáng chú ý là trong dự thảo là bổ sung thêm việc chính quyền địa phương cũng như Tổng liên đoàn lao động Việt Nam sẽ được tham gia vào đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại các khu công nghiệp dựa trên pháp luật về nhà ở. Bên cạnh đó, tại dự thảo Nghị quyết về các giải pháp để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, Chính phủ đã đặt mục tiêu đẩy mạnh thị trường bất động sản, tập trung vào phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân bằng cách tận dụng thời gian chờ Quốc hội thông qua Luật nhà ở sử đổi để định hướng tháo gỡ tổng thể. Hơn nữa, cũng sẽ đồng bộ các khó khăn và những vướng mắc hiện nay trong phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng.
Ngoài ra, “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” cũng được nêu ra nhằm đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành nhằm tháo gỡ ngay một số những khó khăn, vướng mắc cụ thể. Mục tiêu tạo động lực để xây dựng và phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới. Trong đó, quan tâm lớn nhất đến các nội dung còn vướng mắc trong thời gian vừa qua. Cụ thể:
Về vấn đề giao đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
Với vấn đề này sẽ có định hướng là giao đất không thu tiền sử dụng đất. Các chủ đầu tư sẽ có đủ các quyền, nghĩa vụ như của các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Điển hình như được phép chuyển nhượng nhà ở xã hội gắn với việc chuyển quyền sử dụng đất.
Về quỹ đất dùng để phát triển dự án nhà ở xã hội
Trong định hướng quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, UBND Cấp tỉnh sẽ có trách nhiệm quy hoạch và bố trí đủ quỹ đất NOXH sẽ đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn theo chương trình và kế hoạch phát triển dự án nhà ở xã hội.
Về việc lựa chọn chủ đầu tư
Định hướng lựa chọn chủ đầu tư sẽ theo hướng đấu thầu. Dựa theo pháp luật quy định về đấu thầu hoặc chấp nhận các chủ trương đồng tư. Đồng thời, chấp thuận chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội nếu có quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch cũng như kế hoạch sử dụng đất như thế nào là phù hợp với các quy hoạch về: nhà ở, xây dựng, đô thị và chương trình, kết hoạch của mỗi địa phương…
Những quyền lợi và ưu đãi dành cho chủ đầu tư xây nhà ở xã hội
Đối với quyền lợi và những ưu đãi dành cho chủ đầu tư, định hướng của dự thảo là sẽ dành toàn bộ diện tích sàn khối đế của dự án để phục vụ làm sàn dịch vụ kinh doanh thương mại, dịch vụ công cộng như giá dục, y tế, thể dục thể thao, văn hóa, các tiện ích khác… Phần diện tích khối đế này được kinh doanh, hạch toán riêng, toàn bộ lợi nhuận từ phần diện tích này sẽ do chủ đầu tư được hưởng. Riêng về phần diện tích sàn để làm nhà ở xã hội, chủ đầu tư cũng được hưởng phần lợi nhuận định mức (theo quy định của Luật nhà ở – có lợi nhuận định mức).
Mặt khác, cũng theo dự thảo này thì để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, đề xuất Quốc Hội và Chính phủ dành phần gói tín dụng khoảng 110 nghìn tỷ đồng tương đương khoản 10% nhu cầu vốn gia đoạn 2022 – 2030 để cấp cho các ngân hàng thương mại. Mục đích để cho các dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân được vay theo phương thức tái cấp vốn. Giống với gói 30 nghìn tỷ đồng đã được thực hiện tốt ở giai đoạn 2013 – 2016 trong thời gian trước đây. Hơn nữa, đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dành khoảng 50% gói tín dụng (tương đương 55 nghìn tỷ đồng) cho chủ đầu tư dự án được vay ưu đãi.
Với những người mua nhà ở xã hội hay nhà ở công nhân dành khoảng 50% gói tín dụng (tương đương 55 nghìn tỷ đồng) để cho khách hàng cá nhân là những người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Trong dự thảo cũng đặt ra các mục tiêu hoàn thiện, ban hành cũng như triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án: “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Nhằm tháo gỡ ngay một số các khó khăn và những vướng mắc cụ thể trong quá trình phát triển nhà ở xã hội. Góp phần tăng nguồn cung đáp ứng phù hợp với nhu cầu và khả năng của người lao động có thu nhập thấp đang có nhu cầu cao về nhà ở để họ có thể tiếp cận dễ dàng.
Có thể thấy, dự thảo đã định hướng nhiều cơ hội để chủ đầu tư xây nhà ở xã hội được dùng khối đế để kinh doanh. Nhiều kế hoạch phát triển mới cũng sẽ tạo dựng niềm tin cho người có nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong giai đoạn tới…