Theo các chuyên gia, Việt Nam cần quy hoạch các quỹ đất dành cho người có thu nhập thấp, người lao động gần với khu trung tâm và có vị trí di chuyển thuận tiện đến các nơi làm việc.
Vấn đề Nhà ở xã hội (NOXH) luôn là một trong những vấn đề “nhức nhối” của Việt Nam khi dự án được hoạch định khá nhiều nhưng thực thi chẳng được bao nhiêu.
Quy hoạch dự án NOXH: Vấn đề muôn thuở
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận về vấn đề NOXH trên toàn quốc hiện nay. Ông Nguyễn Hữu Thông, Đại biểu Quốc hội đoàn Bình Thuận phát biểu, có một thực trạng tại Việt Nam không thể phủ nhận, đó là các khu công nghiệp mọc lên rất nhiều nhưng lại chưa có động thái quản lý về vấn đề quy hoạch nhà ở cho người lao động, hoặc có nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Các dự án, kế hoạch hay chương trình phát triển nhà ở cho công nhân đa phần đều không đạt được kết quả như mong muốn.
Được biết, chỉ tính riêng tại TP.HCM, khu vực có nền kinh tế phát triển bậc nhất Việt Nam hiện nay, đã có hơn 350 dự án xây dựng NOXH và nhà lưu trú công nhân. Tất cả đều đã được khởi công nhưng cuối cùng lại bị “trì trệ” do nhập nhằng về vấn đề thủ tục pháp lý. Điều này cũng tương tự như ở các tỉnh thành khác, gây ra sự thiếu hụt về nơi cư trú cho các công nhân.
Hiện tại, phần lớn công nhân là một trong những lực lượng chính của nền kinh tế Việt Nam trong việc tạo ra của cải, vật chất xã hội. Nhưng đời sống của họ chưa được quan tâm đúng mức khi hầu hết phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư xập xệ. Thậm chí, có cả những gia đình 4 người gồm vợ chồng, con cái sống chung trong ngôi nhà chưa đầy 10m2, gồm cả nhà vệ sinh. Nhiều người không dám mua máy giặt, tủ lạnh hay các thiết bị gia dụng khác do không có chỗ để.
Chưa tìm ra giải pháp thích hợp giải quyết vấn đề NOXH
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại Học Kinh tế Quốc dân, để phát triển NOXH cho người lao động, người có thu nhập thấp cần phải dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở, khu đô thị cho phát triển NOXH, nhà lưu trú công nhân. Điều này sẽ đảm bảo có quỹ bất động sản, quỹ nhà và quỹ đất cho người lao động có thu nhập thấp và tạo nên sự hài hòa về yếu tố xã hội khi không có sự phân biệt về tầng lớp, đẳng cấp giữa những người có thu nhập thấp và những người thu nhập cao.
Về cơ bản, ý kiến trên được xem là giải pháp thiết thực giúp người lao động có được một nơi cư trú thoải mái. Nhưng trên thực tế, giải pháp này rất khó thực hiện vì cơ chế và chính sách lại vô tình tạo ra khoảng cách khiến những người lao động chưa thể tiếp cận được quỹ đất này. Liệu trong khu đô thị có giá trị cao thì có những nhà giá trị thấp không? Và những người lao động có thu nhập thấp liệu cũng được trang trải những tiện nghi, điều kiện, dịch vụ thích hợp. Hay nếu được giao nhà thì họ sẽ bán cho người khác hoặc những người có thu nhập cao?
Như vậy, một lần nữa GS.TS Hoàng Văn Cường chỉ ra, quy định dành quỹ đất cho người lao động là lý tưởng, giải pháp hay nhưng lại chưa có cách tiếp cận phù hợp. Thay vào đó, quy hoạch phát triển đô thị cần dành tối thiểu 20% quỹ đất cho người thu nhập thấp nhưng không phải lồng ghép vào đó các khu nhà ở thương mại. Ngoài ra, dù không nằm trong trung tâm thương mại hay phát triển, nhưng quỹ đất đó vẫn cần được quy hoạch gần khu trung tâm với vị trí di chuyển thuận tiện để người lao động có thể đi lại nơi làm việc dễ dàng và thuận tiện hơn.
Ông Cường cũng cho rằng, lấy ví dụ như ở Hà Nội, những quỹ đất ở khu vực trung tâm đều có thể quy hoạch để phát triển NOXH, nhà lưu trú công nhân. Nếu thực hiện được sẽ có thể đồng bộ được hệ thống hạ tầng các khu đô thị và phân bổ loại hình nhà ở phù hợp với các đối tượng.
Cũng tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp cho rằng, việc bố trí quỹ đất dành cho việc phát triển NOXH, nhà lưu trú công nhân là việc làm cần thiết và thể hiện sự quan tâm dành cho người lao động. Tuy nhiên, thời gian qua, việc mua và thuê NOXH cho công nhân gặp rất nhiều khó khăn khi chưa có đủ số lượng để đáp ứng nhu cầu và các thủ tục quy trình còn nhiều bất cập.
Vậy, làm thế nào để tìm ra giải pháp tối ưu nhất để tất cả những người lao động, thu nhập thấp có được nơi ở phù hợp, vị trí tối ưu và được đáp ứng các nhu cầu sống cơ bản và nâng cao? Đó là một thách thức không nhỏ đối với Nhà nước và các cơ quan chức năng.