Lý giải nguyên nhân công nhân khó tiếp cận nhà ở xã hội

Dù đã có không ít dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân được hoàn thiện và đi vào hoạt động nhưng số lượng công nhân, người lao động tiếp cận các dự án này vẫn còn rất hạn chế. Vậy nguyên nhân do đâu?

Thực trạng về nơi ở của người lao động, công nhân tại TP.HCM

Tại một khu nhà trọ ở 81/11, đường số 3, phường An Khánh, TP. Thủ Đức, TP.HCM, chị Nguyễn Thị Phương Quyên, nhân viên của một công ty vận tải qua ứng dụng công nghệ cho biết, cả hai mẹ con hiện đang sinh sống ở một căn phòng chừng 10m2 vì không có đủ tiền tiết kiệm để mua nhà, dù là căn chung cư dù đã đi làm hơn 10 năm. Với căn phòng hiện tại, chỉ có 10m2 nhưng tiền thuê nhà cũng lên đến 2 triệu đồng/tháng. Một người mẹ đơn thân như chị dù đi làm được bao nhiêu cũng để dành cho con, nhưng số tiền tiết kiệm lại quá ít ỏi.

Thực trạng khó khăn về chỗ ở đối với người công nhân

Chị Trần Thị Thu Hương, hiện đang làm việc cho Công ty Việt Nam Sam Ho thì có hoàn cảnh khá hơn nhưng cũng không thể có được nơi ở như ý. Chị cho biết, từ Quảng Trị vào TP.HCM làm việc đã gần 10 năm nhưng dù có đi làm tăng ca thì số tiền kiếm được mỗi tháng cũng chưa được 10 triệu đồng. Chồng chị đi làm công việc thợ hồ, nếu ổn định thì mỗi tháng kiếm được khoảng 9 triệu đồng. Trong khi đó, cả hai còn nuôi hai con nhỏ ăn học và thi thoảng gửi tiền về quê. Với mức thu nhập thấp như vậy, vợ chồng chị chỉ dám thuê căn phòng 15m2 với chi phí 1,2 triệu đồng/tháng để tiết kiệm.

Trên thực tế, việc sinh sống trong những căn nhà trọ lụp xụp với diện tích hẹp, trong khi gia đình lại đông đúc thành viên không còn quá xa lạ với người lao động. Họ cũng từng tính đến chuyện thuê nhà rộng hơn nhưng cũng khá ngần ngại khi phải tiết kiệm tiền lo cho con ăn học.

Chính vì vấn đề này, TP.HCM đã lên kế hoạch khẩn trương thi công các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân với nhiều chính sách ưu đãi dành cho người lao động, người có thu nhập thấp. Từ khi có Luật Nhà ở năm 2005 cho đến nay, Thành phố đã hoàn thành 32 dự án với quy mô lên đến 19.100 căn hộ. Trong thời điểm hiện tại, Thành phố đang có khoảng 9 dự án triển khai xây dựng với tổng diện tích 17,54 ha, quy mô khoảng 6.231 căn hộ. Song, theo báo cáo tình hình thì vẫn còn không ít người lao động, người có thu nhập thấp, công nhân vẫn sinh sống tại các khu nhà trọ ọp ẹp, chưa thể tiếp cận đến các nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Vì sao người lao động khó tiếp cận nhà ở xã hội?

Chưa được hỗ trợ thỏa đáng

Sáng 16/11, Tại Hội nghị đối thoại giữa Bí thư Quận ủy với cán bộ, đoàn viên Công đoàn Quận 8, TP.HCM, một số ý kiến cho biết có nhiều người lao động đã được UBND quận phê duyệt hồ sơ nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg và khoản hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP dù thời hạn giải quyết đã kết thúc.

Trả lời về vấn đề này, đại diện Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận 8 chia sẻ, hiện vẫn còn khoảng 38 doanh nghiệp chưa được giải ngân tổng số tiền 5,2 tỷ đồng dù đã được phê duyệt danh sách hỗ trợ NLĐ theo Nghị quyết 68/NQ-CP do chờ ngân sách chuyển về. Trong khi đó, gói tiền hỗ trợ thuê nhà thì UBND quận đã giải ngân cho các doanh nghiệp nhưng vẫn có một số nơi cung cấp sai tài khoản của người lao động, chưa bổ sung kịp thời nên vẫn còn nhiều ách tắc. Để giải quyết tình trạng này, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành phối hợp với các UBND phường thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện đúng quy định để đảm bảo quyền lợi về nhà ở, “an cư lạc nghiệp cho người lao động”.

“Cung” không đủ “cầu”

TP.HCM hiện có khoảng 17 Khu chế xuất, Khu công nghiệp với gần 280.000 lao động làm việc nhưng thực tế chỉ có một số doanh nghiệp xây dựng nơi lưu trú cho công nhân ở miễn phí hoặc thu phí tượng trưng, chẳng hạn như nhà lưu trú của Công ty Đức Bổn, Công ty Hung Way có quy mô 1.200 chỗ, công ty Worldon có quy mô 4.600 chỗ, công ty Vạn Đức có 600 chỗ, công ty Nissei Electric Việt Nam có quy mô 2.000 chỗ,… Sự thiếu hụt về mặt nhà ở, nơi lưu trú miễn phí hoặc có phía thấp khiến cho hàng trăm nghìn người lao động, công nhân phải thuê trọ hoặc tự lo chỗ ở của mình.

Số lượng nhà ở xã hội dành cho công nhân còn đang rất thiếu. Hình ảnh nhà ở xã hội Kim Chung

Ngoài các lý do trên, còn có một số nguyên nhân khiến người lao động khó tiếp cần nhà ở như tình trạng tín dụng đen, công nhân khó tìm chỗ gửi con, chính sách nhà ở xã hội chưa thỏa đáng,… dẫn đến thực trạng người lao động phải tiếp tục sinh sống ở những nơi có điều kiện sinh hoạt thấp, dẫn đến cuộc sống thiếu ổn định.

5/5 - (1 vote)

Leave a Reply