Người thu nhập thấp không thể mua nhà ở xã hội 1,5 tỷ đồng

Mỗi tháng chi hơn 12 triệu đồng để trả nợ cả gốc lẫn lãi khi mua nhà ở xã hội? Như vậy có phải nhà ở xã hội NHS Trung Văn thật sự đang hỗ trợ người có thu nhập thấp? Những ý kiến phản hồi dưới đây sẽ giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về vấn đề này…

Chi tiết mức giá bán nhà ở xã hội NHS Trung Văn

Bắt nhịp cùng với nhiều dự án nhà ở xã hội hiện nay, mức giá mở bán lần đầu của dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn là 20 triệu đồng/m2. Nếu so sánh thì đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Phối cảnh dự án Nhà ở xã hội NHS Trung Văn

Cụ thể, nếu người có thu nhập thấp muốn sở hữu căn nhỏ nhất với diện tích 69,9m2 thì phải bỏ ra khoảng 1,39 tỷ đồng và để mua căn lớn nhất với diện tích 76,8m2 thì phải bỏ ra 1,52 tỷ đồng. Thực tế, nhà ở xã hội NHS Trung Văn có đáng giá như thế không???

Ý kiến từ phía độc giả đối với dự án NƠXH NHS Trung Văn

Khi mức giá của dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn được chào bán trên thị trường thì có rất nhiều những ý kiến đánh giá khác nhau. Nhưng điểm chung là đều nhận định mức giá bán này quá cao so với mục tiêu phát triển nhà ở xã hội. Dưới đây là một số đánh giá được ghi nhận từ phía độc giả:

Độc giả Biển Chiều làm phép tính: “Nhà ở xã hội với giá 1.5 tỷ đồng đồng nghĩa với việc người mua phải vay khoảng một tỷ đồng với lãi suất 10% mỗi năm, trong vòng 20 năm. Tức là hàng năm họ phải trả cả gốc lẫn lãi cao nhất 150 triệu đồng cho năm đầu tiên, bình quân hơn 12 triệu đồng mỗi tháng. Thử hỏi, với mức chi trả như vậy thì người thu nhập thấp (đối tượng chính của nhà ở xã hội) làm sao trả sao nổi?”

Cũng có đồng quan điểm, bạn đọc Người Dân Việt đưa ra nhận định: “Nhà ở xã hội là dành cho người lao động có thu nhập thấp chưa có nhà để ở. Thế nên, để họ có điều kiện tiếp cận được thì giá bán phải thấp. Mà giá bán thấp thì diện tích cần phải nhỏ. Ở đây, để sở hữu căn nhỏ nhất (diện tích 69,9 m2) của dự án, người mua cần bỏ ra khoảng 1,39 tỷ đồng và 1,52 tỷ đồng cho căn lớn nhất (diện tích 76,8 m2) thì tôi thấy đây không còn đúng tính chất là nhà ở xã hội nữa rồi!”

Ngạc nhiên về mức giá bán dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, độc giả Hoa Ân chia sẻ: “Để kiếm được số tiền hơn 12 triệu đồng một tháng để trả lãi vay mua nhà ở xã hội kiểu này thì có khi người mua không nằm trong nhóm có thu nhập thấp nữa rồi. Vì khả năng cao là lương của người này thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Mà như thế thì họ đâu còn nằm trong nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội nữa? Ai có kinh nghiệm làm hồ sơ mua nhà ở xã hội có thể giải đáp được không?”.

Theo đó, nhà ở xã hội là loại hình nhà ở được sự hỗ trợ của Nhà nước, dành cho những đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở (dựa trên quy định của Luật nhà ở). Nghĩa là, nhà nước sẽ hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội và người mua nhà sẽ hưởng mức giá ưu đãi so với các căn hộ mang tính thương mại.

Điều 51 của Luật nhà ở Xã hội đã quy định rõ ràng về điều kiện để mua được nhà ở xã hội. Trong đó, những người mua nhà ở xã hội, chung cư xã hội phải là đối tượng thuộc diện khó khăn về chỗ ở và người có thu nhập thấp.

Dựa trên các tiêu chí này thì độc giả Trang Huyen đã đặt dấu chấm hỏi: “Thu nhập thấp là ở mức bao nhiêu? Nếu mua nhà trả góp của dự án nhà ở xã hội này thì người mua phải trả trung bình 10-12 triệu đồng một tháng. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi tháng họ phải có thu nhập 20 triệu đồng thì mới đủ điều kiện trang trải cuộc sống và trả nợ mua nhà. Trong khi đó, hồ sơ mua lại có điều khoản người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân mới được mua. Như vậy, phải chăng quy định và điều kiện đang mâu thuẫn với nhau?”

Cùng chung quan điểm, bạn đọc Hung Thanh nhấn mạnh thêm: “Đối tượng được mua nhà ở xã hội là người lao động có thu nhập thấp, mà giá nhà ở đây là 20 triệu đồng mỗi m2, cộng thêm 2% phí bảo trì, chưa kể dịch vụ hàng tháng và các chi phí khác. Như vậy, người thu nhập thấp thực sự khó tiếp cận. Nếu vay ngân hàng sau hai năm lãi suất thả nổi, liệu họ có chịu được không? Còn giá thuê, nếu 100.000 đồng mỗi m2 cũng là ngang với mặt bằng chung của nhà thương mại, trong khi độ linh hoạt lại thấp hơn. Do vậy, cơ quan quản lý cần nghiên cứu chính sách giảm giá thành, không nên đưa giá đất vào giá bán”.

Nhiều khách hàng phân vân với mức giá bán tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn

Một quan điểm khác từ độc giả Thu Cúc đưa ra để lý giải nguyên nhân khiến giá dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn bị đẩy lên cao kỷ lục: “Tôi nghĩ chủ yếu vẫn là do quy hoạch của dự án chưa phù hợp với tính chất của nhà ở xã hội: vị trí quá đẹp, lại ngay mặt đường lớn, nên giá thành bị đội lên cao cũng là điều dễ hiểu. Theo tôi, chúng ta nên đưa các dự án nhà ở xã hội vào các tuyến đường nhánh, giá đất thấp hơn, như vậy sẽ giúp giá nhà thấp xuống, phù hợp hơn với điều kiện của người lao động có thu nhập thấp.”

Vậy, giá nhà ở xã hội bao nhiêu mới phù hợp với người có thu nhập thấp?

Mặc dù có rất nhiều ý kiến đánh giá về việc dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn chào bán mức giá cực cao nhưng tựu chung lại vẫn là: Giá như vậy không dành cho người có thu nhập thấp hay những hộ gia đình khó khăn! Vậy, mức giá nhà ở xã hội bao nhiêu là phù hợp?

Chia sẻ của một chủ tịch công đoàn cơ sở ở Bắc Giang, theo thực tế mức thu nhập của công nhân hiện tại thì họ chỉ có thể tiếp cận được giá nhà ở xã hội tầm 600 triệu đồng/ căn. Ở ngưỡng giá này, họ cũng vẫn sẽ phải vay ngân hàng, thế nên cần có thêm các gói hỗ trợ và ưu đãi dành cho họ.

Hãy để công nhân được mua NOXH trực tiếp từ chủ đầu tư với giá gốc!

Thông qua việc nắm bắt tình hình thực tế của công nhân tại công ty, Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Hosiden Việt Nam, tỉnh Bắc Giang cho biết: “Nếu giá nhà ở xã hội ở mức 600 triệu đồng/căn thì người lao động mới có thể chấp nhận được”.

Bên cạnh đó, ông Tân còn chia sẻ thêm, ngoài việc xây dựng mức giá nhà ở xã hội hợp lý thì cũng cần phải có các gói tín dụng ưu đãi dành cho những người lao động có thu nhập thấp mua nhà. “Ví dụ, căn nhà có giá là 600 triệu đồng; người lao động dành dụm, vay người thân được 300 triệu đồng; còn lại 300 triệu đồng vay ngân hàng thì cần phải có chính sách cho vay ưu đãi để làm sao người lao động một tháng chỉ phải bỏ số tiền trả gốc lẫn lãi bằng 10%, cùng lắm là 20% tổng thu nhập trong tháng. Theo tính toán của tôi, có như vậy thì họ mới có thể có tiền để duy trì cuộc sống của gia đình một cách bình thường, nuôi dạy con ăn học, không lâm vào cảnh túng thiếu vì hằng tháng phải dồn tiền trả tiền vay mua nhà”, góp ý của ông Tân.

Hơn nữa, không phải vì mức giá bán nhà ở xã hội “phải thấp” mà bỏ qua tiêu chuẩn chất lượng. Các dự án nhà ở xã hội phải thật sự phù hợp với số tiền mà công nhân bỏ ra cũng như đáp ứng đúng giải pháp “hỗ trợ” và đồng hành cùng sự khó khăn của người dân.

Mặt khác, nên đính kèm thêm hệ sinh thái tiện ích như chợ, khu vui chơi giải trí, nhà trẻ… để nâng cao cuộc sống an cư cho công nhân. Ông Tân còn cho răng, những chủ đầu tư thực hiện được các giải pháp trên thì mới được duyệt giấy phép xây dựng, nhằm tránh tình trạng chủ đầu tư chỉ muốn mang lại lợi nhuận cao nhất cho mình.

Chỉ cần giá bán nhà ở xã hội hợp lý thì công nhân sẽ mua!

Chia sẻ của chị Vũ Thị Lý quê ở Lạng Sơn đã nhiều năm làm công nhân Công ty Newwing (Bắc Giang): “Nếu mua đất, tôi chỉ có thể mua ở quê; còn ở Bắc Giang, chắc chắn tôi sẽ không thể mua được vì giá cao. Nhưng hiện tại, với thu nhập hiện nay, ngay cả ở quê, tôi cũng không thể mua đất được.”

Mức thu nhập bình quân hiện tại của chị Lý chỉ khoảng 7 triệu đồng/ tháng, cuộc sống gia đình khó khăn vì chồng chị ốm yếu và phải nuôi thêm 2 con nhỏ ăn học. Mỗi tháng thu nhập bao nhiêu dường như đều chi trả hết. Do đó, để có một căn nhà riêng có lẽ là đã quá tầm đối với gia đình chị.

“Về lâu dài, tôi dự định về quê, nhưng nếu thu nhập tốt hơn, có đủ tiền để mua nhà cũng như giá nhà ở xã hội hợp lý, tôi sẽ thay đổi ý định này, mua nhà ở xã hội tại Bắc Giang. Giả sử để mua nhà, một tháng chỉ phải trích 1 đến 2 triệu đồng trên tổng thu nhập để trả tiền vay thì có lẽ tôi sẽ chịu đựng được. Tôi cũng muốn tiếp tục gắn bó với công ty, vì nếu về quê, tôi rất khó kiếm được công việc có thu nhập như hiện tại”, chị Lý chia sẻ thêm.

Chị Lý cũng bày tỏ mong muốn là các khu nhà ở xã hội dành cho công nhân cũng nên chỉn chu một chút, cần có các hạng mục, dịch vụ tiện ích để phục vụ cho cuộc sống của công nhân.  “Hiện tại, do chưa có tiền nên tôi chưa dám nghĩ đến lâu dài, chỉ lo cho trước mắt…”, chị Lý nói.

Từ những đánh giá, nhận xét thực tế trên, hy vọng rằng các chủ đầu tư nhà ở xã hội nói chung và dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn nói riêng cần có những điều chỉnh hợp lý hơn về mức giá. Đáp ứng đúng mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân, những người có thu nhập thấp và các hộ gia đình khó khăn, … theo quy định của Nhà nước.

Leave a Reply